Cao su lỏng được nghiên cứu và phát triển độc quyền bởi hãng Lafarge Asphalt Engineering ở Bắc Mỹ. Kể từ khi ra đời, nó đã được coi như một bước đột phá trong ngành công nghiệp chế tạo vật liệu chống thấm, chất tạo màng phủ bề mặt và chất bịt kín.
Công tác xử lý thấm dột tại các vết nứt do co ngót vật liệu trong các công trình xây dựng luôn là vấn đề gây đau đầu cho các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Sự co ngót đó là không thể tránh khỏi, vì vậy biện pháp chống thấm phải được tính đến ngay từ khi thiết kế và thi công công trình.
Hầu hết các sản phẩm chống thấm từ trước đến nay mới chỉ giải quyết được các vết nứt sau khi đã ổn định (vết nứt tĩnh), mà chưa xử lý được đối với các vết nứt còn tiếp tục phát triển hoặc biến đổi (vết nứt động). Vì vậy, rất nhiều công trình mặc dù đã xử lý thấm dột, chỉ một thời gian sau, lại tiếp tục bị thấm do các vết nứt tiếp tục phát triển.
Cao su lỏng kể từ khi ra đời đã được coi như một bước đột phá mới trong ngành công nghiệp chế tạo vật liệu chống thấm, chất tạo màng phủ bề mặt và chất bịt kín. Sản phẩm được nghiên cứu và phát triển độc quyền bởi Lafarge Asphalt Engineering, một chi nhánh của tập đoàn Lafarge Materials & Construction, tại Canada và Bắc Mỹ. Cho đến nay, trên thế giới chỉ có Mỹ và Canada là có hai nhà máy sản xuất được sản phẩm cao su lỏng, bởi đây là sản phẩm đòi hỏi phải sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao của các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới.
Cao su lỏng là một hợp chất được tạo bởi nhiều chất huyền phù có tác dụng tạo ra một lớp vỏ bọc có độ dính cao, độ đàn hồi tốt và có khả năng bảo vệ cực tốt. Cao su lỏng khi chưa lưu hóa là một chất ở dạng lỏng, màu nâu đen, hầu như không mùi, khi khô chuyển sang màu đen, không độc hại, thân thiện với môi trường, có thể dùng dưới dạng phun hoặc quét ở nhiệt độ không khí bình thường. Sau khi lưu hóa, cao su lỏng đông đặc thành một lớp màng vỏ bọc kín, có đặc tính không thấm nước, chống rỉ, chống ăn mòn hóa chất.
Cao su lỏng hiện đang được sản xuất dưới hai dạng:
• Dạng đông cứng ngay lập tức (Spray Grade): Khi sử dụng cần có máy phun chuyên dụng và bổ sung chất kích động nhằm đẩy nhanh quá trình lưu hoá. Cao su lỏng sẽ lưu hoá ngay sau khi bám dính trên bề mặt cần thi công ở nhiệt độ thường.
• Dạng dùng được dưới dạng chổi quét (High Build): Chỉ cần sử dụng chổi hoặc con lăn quét trực tiếp cao su lỏng nguyên chất lên các bề mặt cần xử lý. Thời gian cần thiết để cao su lỏng lưu hoá là 6-12 tiếng ở nhiệt độ thường.
Đặc tính nổi bật của cao su lỏng so với các loại màng phủ bảo vệ khác là có khả năng chống xuyên thủng rất lớn, có thể chịu được độ kéo dãn đến 1800%. Vì bản chất là cao su, nên có khả năng đàn hồi và có thể thu hồi lại đến 95% sau khi kéo dãn. Nhờ đặc tính ưu việt này mà cao su lỏng có thể sử dụng để chống thấm cho các công trình xây dựng có những vết nứt chưa ổn định. Khi phủ một lớp màng dày nhất định cao su lỏng dọc theo vết nứt, nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì cao su lỏng sẽ tự đàn hồi và co dãn theo. Vì thế cao su lỏng được gọi là chất chống thấm động, khác hẳn với các vật liệu chống thấm khác là loại chống thấm tĩnh.
Ngoài ra, cao su lỏng còn có khả năng chịu đựng được ở các môi trường khắc nghiệt, có khả năng cách nhiệt, cách âm, chống lại được tia tử ngoại. Nhờ đặc tính này mà cao su lỏng được ứng dụng rộng rãi để quét trên các mái tôn của nhà khung định hình, giúp chống ồn khi trời mưa, chống han rỉ do thời tiết khắc nghiệt, dưới ánh nắng mặt trời... vì cao su lỏng có thể chịu được nhiệt độ trên 100 độ C (điểm nóng chảy).
Thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm ở Canada, Mỹ, Đài Loan... và quá trình ứng dụng thực tế cho thấy cao su lỏng còn chịu được hầu hết các loại axit yếu, rất bền trong môi trường kiềm, đặc biệt là khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các hóa chất độc hại. Nhờ đặc tính này mà cao su lỏng có thể dùng để quét lên thành các bể chứa hóa chất tại các công ty sản xuất hóa chất, công ty sản xuất phân bón, quét lên nền tường bao của các khu xử lý rác thải...
Cao su lỏng đã được ứng dụng hiệu quả trong môi trường nước biển, áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí, khi các kết cấu giàn khoan, các thiết bị, máy móc phải ngâm dưới biển. Ngoài ra, cao su lỏng còn được dùng để quét lên thành, gầm tàu thuyền đánh cá, quét lên mái nhà, tường trong các kho chứa muối, quét lên các xe tải, xe container chở muối...
Yếu tố nhiệt đới hóa đã được nhà sản xuất tính đến để sản phẩm phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Vì vậy việc đưa cao su lỏng vào ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng ở Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn về mặt kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ cho các công trình, tiết kiệm chi phí và loại bỏ được những vấn đề đau đầu cho các kiến trúc sư cũng như các kỹ sư xây dựng hiện nay.
Theo http://tainguyennuoc.vn
Đăng nhận xét