Hoa anh túc đẹp. Một vẻ đẹp chết người. Xin mở ngoặc, hoa lá ngón cũng vàng, cũng trắng (không có màu tím như anh túc) rất đẹp. Lá ngón giết chết người ta tức thì. Còn anh túc thì hơn thế, thật tai ác: nó ăn thịt người ta, nó nuốt sống sức khoẻ, nhân phẩm và niềm tin của nhiều thế hệ người.
Ma tuý - những chuyện không thể hiểu nổi
Bác tôi có hai cậu con trai nghiện. Một cậu tự dưng dở chứng không doạ đấm cả bố nữa. Mà cậu tỏ ra rất ngoan - cứ lành chanh đòi em gái ngồi học bài để cậu ta nấu cơm hộ.
Ông bố già mừng như chết đuối vớ phải cọc, vừa ngồi đọc báo vừa theo dõi.
Thì ra, cu cậu đói thuốc quá, nhà lại nghèo, nên vờ nấu cơm để mở cúc quần dài thả từng đấu gạo vào trong hai ống quần đang mặc (sau khi túm buộc dây chun ở cổ chân). Cậu lặc lè đi ra khỏi bếp, đem mấy đấu gạo ăn cắp khẩu phần của bố mẹ, của các em trong ống quần, đũng quẫn đi bán. Bản đổi lấy thuốc phiện để hút. Ông bố nhìn theo con, rồi lại nhìn xuống lòng giếng cạn, khóc lóc mãi rồi ông nhảy xuống đó tự tử.
Nếu phải hoán đổi cái mạng già của mình để lấy kết quả cai nghiện thành công cho thằng con trai, ông cũng sẵn lòng.
Nhưng than ôi, nghiện lại cai, cai lại nghiện. Cậu con, lúc không vật thuốc, đành lạy bố khóc: “Cai thuốc phiện là điều rất dễ. Vì chính con đã làm điều đó... nhiều lần!”. Và ông bố trẫm mình đã không được siêu thoát. Không chết.
Thời gian sau, anh con trai lại đốc chứng đòi bắc mấy tấm gỗ ngủ dưới nhà ngang. Ông bố 73 tuổi lại rình và phát hiện ra cứ vài ngày lớp gỗ ghép làm trần nhà (nhà ông ở rừng nên nhà rất nhiều hạng mục bằng gỗ) cứ bị thủng dần.
Cúi mặt với trần ai cõi sống, gia đình ông chẳng bao giờ ngửa mặt lên để để ý xem căn nhà cũ của mình bị ăn trộm dần dà hết cả gỗ ốp trần như thế nào.
Bóc ráo cả gỗ trần nhà đổi lấy thuốc phiện hút. Đến một ngày, ông bố quyết định lẽo đẽo đi sau cậu thanh niên vượt dãy Pha Luông khổng lồ sang nước bạn mua thuốc phiện về hút.
Cậu con trai vẫn đủ thương bố già leo núi Pha Luông hùng vĩ trong mưa, đi về thì tuổi 73 của bố sẽ gục ngã. Cậu dừng lại, lạy bố đi về đi, con đi hút nốt lần này thôi. Vì bọn buôn ma tuý nó ở trên núi, mà con đang thèm thuốc nên con phải đi.
Hoa anh túc.
Ông bố già đau đời, xót cục máu của mình, nên thà chết cũng quyết tâm đi theo nó. Nó đi, ông cũng đi. Nó dừng lại khóc, nó lạy ông thì ông tranh thủ ngồi thở. Cứ giữ đều khoảng cách, cứ thương xót nhau, ông bố già và thằng con trai nghiện tử tế cứ vừa đi vừa lạy nhau ngược núi. Vậy mà thằng con nghiện không thể quay về.
Câu chuyện của ông bác già đã ám ảnh tôi rất nhiều. Sau này đi làm báo, tôi còn gặp những chuyện kinh hoàng hơn về ma tuý.
Tại Sơn La, có anh chàng Khoa, nhà giàu nuôi gấu hút mật bán. Thằng em nghiện quá, nó dắt cả gấu ngựa đi... thả vào lỗ hút trên bàn đèn.
Không răn dạy không được nó, ông anh bèn nhốt em trai vào chuồng nuôi gấu để quản thúc 24/24. Lúc em nó lên cơn vật, ông anh thậm chí đau đớn quá phải dí cái roi điện dùng để làm gấu ngất xỉu lấy mật ấy vào thằng em cho nó nằm im.
Thằng em nghiện phá lồng biến mất trong rừng. Một nửa tháng sau, hàng xóm thấy ông anh cũng nghiện oặt, phè bọt mép, cậu tự chui mình vào cũi gấu, tự khoá cửa vứt chìa khoá xuống ao. Cô tôi ở phố Hàng Ngang, Hà Nội. Nhà danh giá thế mà cô con gái tự bán mình đi làm cave cao cấp để hút hít.
Hoa anh túc ngay cạnh nhà sàn dân bản.
Đời nó, suốt 7 năm, nó ở trại cai nghiện nhiều hơn ở nhà. Cô cho nó đi xuất khẩu lao động 4 năm, tưởng như quên sạch bóng ma hêroin. Định cho nó về nước lấy chồng. Ai dè vừa đến đầu phố, gặp thằng nửa chồng nửa bồ cũ, thoảng thấy mùi ma tuý, “bắt sóng” với nhau cái là người đẹp yêu “nàng tiên nâu” lại từ bỏ quãng đời tươi đẹp bốn năm không ma tuý kia đi với chàng.
Lại hút. Lại làm cave cao cấp một cách tự nguyện.
Anh bạn vong niên của tôi là nhà văn, thuộc vào một vài nhà văn nổi tiếng nhất trong năm mươi năm qua của Việt Nam, có thằng con trai nghiện. Anh em đồng chí nỗ lực mãi mà con anh không thể cai được, ai nấy đành thở dài: “Ông nên giết bỏ nó đi. Nếu ông không giết nó thì nó cũng giết ông”.
Nói xong, ai cũng buồn tê tái. Nhưng, đó là một phần sự thật. Ma tuý, những câu chuyện khó tin nhất ở đời đều có thể nằm trong đó. Chỉ có cách không vướng vào nó, chứ đã vướng vào, tôi nghĩ, kể cả cái chết không đủ để tránh được sự tàn độc của chất gây nghiện kia.
Cuộc chiến cam go
Tôi đi bộ ròng rã ngày nọ qua ngày kia, đi qua những nương thuốc phiện, ngó bàn chân mình tứa máu. Thật khó có thứ chống nào khổ hơn chống tái trồng cây thuốc phiện. Một phần, đó là cuộc chiến chống lại sự thẳm sâu, xa xôi tận cùng của những ngọn núi cao mây phủ. Cây anh túc ngậm sương mù mà tốt tươi, mà “ngon thuốc”.
Đi bộ leo dốc một ngày, thở bằng tai mới vượt qua được một ngọn núi. Có nhiều người bật khóc bỏ cuộc, vì không chiến thắng được dốc núi cao, không chống lại được sức ỳ của trọng lượng cơ thể mình! Đi một tuần vượt qua được 7 ngọn núi. Mà rừng già dãy Hoàng Liên Sơn thì có hàng trăm hàng nghìn ngọn núi như thế phải vượt qua.
Năm 2006, riêng huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cán bộ đi phá được 140 héc-ta cây thuốc phiện được kẻ xấu trồng trái phép trong núi sâu.
Không biết bao nhiêu công quả, bao nhiêu giọt mồ hôi của người cán bộ tỉnh, huyện, xã đã đổ lại trên rừng già để phá được ngần ấy héc-ta anh túc?
Ngần ấy là một hay là hai phần trăm của diện tích nương thuốc phiện đang được trồng trên núi cao mây mù? Tức là cán bộ phá được 140 héc-ta, còn rừng có bao nhiêu héc-ta thì chỉ có rừng mới biết.
Phải rồi, tôi quên chưa nói, 140 ha, tức là con số mà cán bộ địa phương đưa ra, con số mà anh em đồng ý báo cáo lên cấp trên, chứ con số thật có khi (trong nhận thức của họ) chẳng phải thế. Anh túc, luôn là một vấn đề cực kỳ... nhạy cảm theo nhiều lẽ. Mở ngoặc thêm, đó là con số của huyện Trạm Tấu, cả nước có bao nhiêu con số như thế?!
Nhưng sự thực thì chúng ta vẫn luôn phải đối mặt. Đầu năm 2007 đến giờ, riêng Trạm Tấu báo cáo, cũng đã phá 3-4 “chiến dịch” triệt hàng chục héc-ta anh túc. Kết quả là (theo như nhiều người có trách nhiệm đã nhận định trên phương tiện thông tin đại chúng) kẻ xấu trả thù bằng cách đốt rừng nhằm thiêu... xác cán bộ.
Cán bộ chưa chết cháy nhưng rừng già thì đã chết cháy hàng trăm héc-ta. Cái quan trọng là thuốc phiện vẫn cứ được trồng. Chống cháy rừng vất vả một thì chống tái trồng cây thuốc phiện vất vả gấp cả trăm lần.
Rừng cháy thì trông thấy khói lửa. Chứ thuốc phiện nở hoa trong hẻm núi giữa mênh mông đại ngàn thì có Chúa cũng chẳng trông thấy được.
Giả dụ có vệ tinh “viễn thám” trông thấy hoa anh túc đẹp nở trong nách núi, thì cũng chẳng ai điều một chuyến trực thăng đi đánh một nương phù dung được hết.
Tóm lại là, dù không muốn, chúng ta vẫn phải công nhận: hoa thuốc phiện vẫn nở trên núi cao, tính đến giờ phút này. Từ lâu, nhà văn Nguyên Ngọc đã khát khao về một “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” (tên một tác phẩm của ông), nhưng chưa biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi tình trạng mùa nào hoa thuốc phiện cũng nở này?
Một mùa xuân, bà con vùng cao có thể trồng được 4 - 5 lứa cây thuốc phiện, chứ không phải năm chỉ cố lắm có hai vụ lúa như ta tưởng. Vì anh túc có vòng đời, vòng nở hoa, cho nhựa rất ngắn.
Năm 2006, tôi đi trong những nương thuốc phiện ở Sơn La. Năm 2007, tôi lại sống trong nương anh túc ở Trạm Tấu.
Năm nào, hai tỉnh này (và nhiều tỉnh nữa) cũng đi đánh phù dung. Và chúng ta phải chung sống với nó? Cũng như xung quanh tôi, ông bác già lạy con, ông nhà văn được khuyên giết con, chị nhà báo có con tự nguyện đi làm ca-ve cao cấp, anh nuôi gấu nhốt em trai rồi lại tự nhốt mình vào cũi, chàng thanh niên chặt gần hết ngón tay thề cai nghiện rồi vẫn cai lại nghiện - nghiện lại cai... - bóng dáng ma tuý vẫn gieo rắc những câu chuyện không thể tin được xung quanh chúng ta.
Những gì khó tin nhất ở Đời này đều nằm cả trong cánh hoa mỏng tang, đẹp mê hồn của hoa anh túc. Cần sa trồng ở rừng Việt hay được thẩm lậu qua biên giới thì sự tang thương mà nó đem đến cho chúng ta cũng vẫn chỉ là một.
Ông Giàng A Su, nguyên Bí thư huyện uỷ Trạm Tấu, đặc phái viên của Tỉnh uỷ Yên Bái đem cái tuổi ngoài 60 của mình đi phát nương thuốc phiện và chống cháy rừng do những kẻ trồng cây thuốc phiện châm lửa đốt.
Ông đi ngày nọ qua ngày kia, ngủ bản, ngủ rừng, ngủ thác. Tôi và ông cùng đen nhẻm muội than khi đánh giặc lửa ở những cánh rừng cháy.
Chúng tôi không có rau gì ăn ngoài rau cải của người Mông. Ông Giàng A Su, tôi và nhiều cán bộ nữa xuống núi khi trời đã chính thức tối. Đoàn cán bộ bị lạc rừng vẫn khóc dở mếu dở, dẫu đã lếch thếch, đen nhẻm về đến sân uỷ ban xã Bản Mù. Chủ tịch huyện Lầu A Páo mời ông Su một cốc vại rượu trắng.
Ai cũng phải bấm ngón tay vào cái cốc rượu để uống cho đúng chỗ cấn cạp mà người đối tửu có nhã ý mời.
Lần nào ông Su cũng uống quá vạch mời. Ông cười ha ha, răng ông lão ngoài 60 tuổi trắng bóc - ông đi bộ nhanh và khoẻ nhất trong đoàn hàng trăm người đi phá cây thuốc phiện và dập lửa cháy rừng hôm 17/3/2007 này.
Vuốt mồ hôi trên gương mặt đen xì toàn muội than của rừng già bị cháy. Ông bần thần nói:“Đau và tiếc quá. Tôi vừa dập lửa vừa xót thương những cây cổ thụ trong rừng”.
Người ta luôn có cảm giác mình thật vạm vỡ sau những ngày dốc cạn mình vượt qua những đỉnh mây mù như thế.
Rừng cháy không dập được.
Kẻ xấu có hàng vạn cách để lén trồng anh túc. Còn đi phá thuốc phiện, ta chỉ có một cách là leo lên núi, vặt bỏ cây. Vặt bỏ thứ siêu lợi nhuận, ngót trăm triệu một héc-ta nhờ trồng cây anh túc, thì kẻ xấu lại đốt rừng. Hai cuộc chiến đều tuyệt vọng, tuyệt vọng có khác gì như là cậu bé tí hon đi đánh nhau với cối xay gió?
Đã đến lúc chúng ta phải chiến đấu với loài hoa, loài cây, thứ ma tuý ăn thịt người kia bằng một cách khác. Một cách hiệu quả hơn. Không thể cứ hình thức và tuyệt vọng như hiện nay. Lang thang trong những nương thuốc phiện nhiều, thú thật, tôi biết, chúng ta hoàn toàn có thể bắt kẻ đốt rừng, hoàn toàn có thể tiêu diệt tận gốc những kẻ ngoan cố trồng cây anh túc để thu lợi bất chính, trực tiếp và gián tiếp giết chết nhiều thế hệ đồng bào mình.
Chỉ có điều, chúng ta phải kiên quyết, phải xác định huy động tài lực thật sự cho cuộc chiến này. Và phải thấy được mức độ đáng sợ của vòng luẩn quẩn: đói nghèo – buông lỏng quản lý - trồng anh túc - đốt rừng. Chúng ta phải làm Thật.
Đỗ Doãn Hoàng
Việt Báo (Theo_VTC)
Đăng nhận xét