Bảo lãnh dự thầu như thế nào



Bảo lãnh dự thầu như thế nào hay Hồ sơ bảo đảm dự thầu gồm những gì?

“Bảo đảm dự thầu” hay “Bảo lãnh dự thầu” là việc nhà thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Hình thức bảo lãnh dự thầu

Tuỳ theo các yêu cầu cụ thể của từng gói thầu mà nhà thầu tiến hành thực hiện bảo đảm dự thầu bằng cách như đặt cọc, ký quý hoặc thư bảo lãnh của ngân hàng. Nếu Hồ sơ mời thầu cho phép tiến hành bảo lãnh theo hình thức thư bảo lãnh của ngân hàng thì cần thực hiện theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu và do một ngân hàng hoặc một tổ chức tín hụng tài chính hoạt động hợp pháp phát hành. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có một mẫu của riêng mình đôi khi không giống như mẫu của hồ sơ mời thầu và khi chấm thầu, các mẫu này vẫn được chấp nhận.


Một chút chú ý trong trường hợp sử dụng biện pháp bảo đảm dự thầu theo hình thức thư bảo lãnh là tính hợp lệ của thư bảo lãnh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hồ sơ mời thầu về chữ ký của người đại diện hợp pháp của ngân hàng hay tổ chức tài chính cấp bảo lãnh. Có một trường hợp khi tham gia đấu thầu nhà thầu bị loại do thư bảo lãnh là Phó tổng giám đốc ngân hàng ký nhưng bạn lưu ý, người đại diện hợp pháp của nhà thầu lại là Tổng giám đốc chứ không phải cấp phó. Nếu cấp phó ký thì phải có giấy uỷ quyền của Tổng giám đốc.

- Giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại hồ sơ mời thầu và thường bằng 1% giá gói thầu.

- Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu: được tính bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu (không quá 120 ngày) cộng thêm 30 ngày.

- Nếu là trường hợp hai hay nhiều nhà thầu thành lập liên danh trong đấu thầu thì bảo lãnh dự thầu được thực hiện theo một trong hai cách sau:

+ Từng thành viên trong liên danh thực hiện riêng rẽ bảo lãnh dự thầu nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tổng giá trị bảo lãnh không thấp hơn giá trị bảo lãnh dự thầu quy định trong hồ sơ mời thầu.

+ Uỷ quyền cho thành viên đứng đầu liên danh thực hiện bảo lãnh dự thầu cho toàn bộ liên danh. Cách này thường được các nhà thầu áp dụng vì tránh trường hợp không nhất quán hoặc một nhà thầu bị bảo lãnh không hợp lệ dẫn tời toàn bộ liên danh bị ảnh hưởng.

Bảo đảm dự thầu của nhà thầu phải đảm bảo các điều kiện sau nếu không nhà thầu sẽ bị loại:

- Có giá trị bằng hoặc cao hơn giá trị yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

- Đúng đồng tiền quy định: Nếu là VNĐ thì bảo đảm dự thầu phải là VNĐ, không được sử dụng loại tiền khác ( USD chẳng hạn ).

- Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu phải bằng hoặc dài hơn thời gian có hiệu lực theo quy định của hồ sơ mời thầu.

- Nộp sai địa chỉ hoặc sai tên nhà thầu.

- Không phải bản gốc hoặc không có chữ ký hợp lệ của người đại diện theo pháp luật của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng bảo lãnh.

Bảo lãnh dự thầu sẽ bị tịch thu trong những trường hợp sau:

- Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau khi đóng thầu mà hồ sơ dự thầu vẫn còn hiệu lực

- Nhà thầu không tiến hành thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng xây dựng trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo trúng thầu mà không có lý do chính đáng.

- Nhà thầu không thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng trước khi ký hợp đồng hoặc trước khi hợp đồng có hiệu lực.

Trong trường hợp liên danh thì việc tịch thu bảo đảm dự thầu là tịch thu toàn bộ bảo đảm dự thầu của tất cả các thành viên trong liên danh.

Nếu nhà thầu không trúng thầu sẽ được hoàn trả lại bảo đảm dự thầu trong thời gian tối đa là 30 ngày. Nếu nhà thầu trúng thầu sẽ được hoàn trả bảo đảm dự thầu sau khi nhà thầu thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Bảo đảm dự thầu là một trong những bước chuẩn bị nhỏ nhưng rất quan trọng trong quá trình đấu thầu và nó là một trong những điều kiện tiên quyết rất quan trọng đối với nhà thầu. Do đó, việc chuẩn bị bảo đảm dự thầu phải được chuẩn bị thật kỹ càng tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi đấu thầu.

Share this article :

Đăng nhận xét